Vệ sinh răng sau khi niềng răng sao cho đúng qui cáchNếu mảng bám không được loại bỏ hoàn toàn khỏi bề mặt răng và xung quanh mắc cài, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị viêm lợi, sâu răng và hôi miệng
Ngày nay có nhiều trẻ em và người lớn có nhu cầu nắn chỉnh răng. Bên cạnh những kết quả tốt về thẩm mỹ, chức năng do nắn chỉnh răng mang lại, nếu chúng ta không để ý đến vấn đề vệ sinh răng miệng trong thời gian điều trị thì nhiều hậu quả xấu có thể xảy ra như sâu răng, viêm lợi. Tuy nhiên, những sự cố này có thể khắc phục được nếu vệ sinh răng miệng đúng cách.
Vì sao phải vệ sinh răng miệng khi nắn chỉnh răng?
Với hầu hết mọi người thì chải răng và dùng chỉ tơ đúng cách đã có thể giúp đảm bảo vệ sinh răng miệng, tuy nhiên, với bệnh nhân đang điều trị chỉnh nha cố định thì như thế vẫn chưa đủ. Thức ăn rất dễ bị mắc lại bên dưới dây cung, xung quanh các chun tại chỗ và vì vậy tạo điều kiện thuận lợi để hình thành mảng bám.
Nếu mảng bám không được loại bỏ hoàn toàn khỏi bề mặt răng và xung quanh mắc cài, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị viêm lợi, sâu răng và hôi miệng.
Vi khuẩn trong mảng bám hấp thu đường và chuyển hóa thành acid. Acid có thể kích thích lợi, gây sâu răng và hôi miệng. Do vậy, việc lấy sạch mảng bám thường xuyên là rất quan trọng. Có vậy, sau khi hoàn tất quá trình chỉnh nha, bề mặt răng bên dưới mắc cài mới được khỏe mạnh và bóng đẹp.
Trong quá trình nắn chỉnh răng cần vệ sinh răng miệng đúng cách
Một số bí quyết vệ sinh răng miệng
Chải răng:
Bạn nên sử dụng bàn chải với lông bàn chải mềm vì nó dễ chui vào các góc và kẽ cũng như không gây tổn thương lợi. Không cần thiết phải dùng bàn chải máy nhưng nếu bạn có thì vẫn có thể sử dụng nó để chải trên mắc cài.
Lưu ý không đập phần nhựa ở phía sau bàn chải vào phần cánh mắc cài vì nó có thể gây hại cho mắc cài. Ngoài ra, nên dùng ở tốc độ quay vừa phải để tránh làm hỏng hay rơi mắc cài. Tuy vậy, cách tốt nhất vẫn là dùng bàn chải tay thông thường vì chúng ta có thể kiểm soát được lực tốt hơn.
Chải răng ít nhất 3 lần một ngày. Tốt nhất là chải răng sau tất cả các bữa ăn để đảm bảo không có thức ăn mắc lại xung quanh mắc cài. Nếu bạn không có điều kiện chải răng sau bữa trưa thì ít nhất cũng phải súc miệng thật kỹ với nước.
Đặt bàn chải không phải trên bề mặt mắc cài mà trên phần răng tiếp giáp với lợi, xoay tròn những vòng nhỏ. Bạn có thể đẩy lông bàn chải luồn bên dưới dây thép ở phía trên và phía dưới mắc cài để lấy di thức ăn và mảng bám bên dưới dây thép. Bạn phải chắc rằng lông bàn chải phải tựa lên lợi và răng. Nếu bạn tựa bàn chải lên dây cung môi thì bàn chải ở cách xa nướu và việc chải răng sẽ không hiệu quả.
Vào buổi tối, hay bất cứ lúc nào có thời gian, bạn nên bỏ ra ít nhất 5 phút để chải răng thật kỹ. Bắt đầu với bàn chải kẽ răng, rất hiệu quả để lấy đi một lượng lớn mảnh vụn thức ăn, dụng cụ này cũng cần dùng hằng ngày để lấy đi mảng bám trên răng và nướu.
Bẻ gập phần dây thép của bàn chải tạo góc thích hợp. Đưa bàn chải luồn bên dưới dây cung môi, hướng từ lợi về phía cạnh cắn, chải chậm rãi, 15 lần, từ mắc cài này đến mắc cài khác.
Sau khi dùng bàn chải kẽ cho mỗi mắc cài, dùng bàn chải thông thường theo cách đã hướng dẫn ở trên. Bàn chải đánh răng của bạn sẽ hư nhanh chóng vì mắc cài, do đó bạn cần thay bàn chải ngay khi nó bị xơ tua.
Dùng chỉ tơ nha khoa:
Sử dụng chỉ tơ ít nhất một lần một ngày, tốt nhất là dùng chỉ tơ sau tất cả các bữa ăn. Khi bạn mang mắc cài thì sẽ khó để luồn được chỉ dưới dây cung nhưng đã có các dụng cụ đặc biệt để hỗ trợ, đó là cây luồn chỉ và một loại chỉ tơ đặc biệt.
Fluoride:
Nha Khoa Quốc Tế Á Châu luôn kiến nghị bệnh nhân sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride. Nha sĩ có thể sẽ khuyên bạn dùng thêm các nước súc miệng có chứa fluoride thông thường. Chúng sẽ cung cấp fluoride để bảo vệ và làm răng cứng chắc trong suốt quá trình chỉnh nha.
Sau khi chải răng, súc sạch kem đánh răng, ngậm 5 -10ml dung dịch FluorCare 30 giây, sau đó nhả thuốc, để lại phần thuốc còn bám lại ít nhất 30 phút. Tốt nhất nên thực hiện trước khi đi ngủ để fluor tiếp tục tác dụng suốt cả đêm. Một gợi ý có ích là bạn làm việc này vào cùng một đêm mỗi tuần. Ví dụ đêm chủ nhật có thể là đêm fluor.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như bàn chải kẽ, nước súc miệng sát khuẩn, máng bảo vệ (nhất là khi bạn chơi thể thao để tránh bị tổn thương do khí cụ va chạm vào mặt).
Bảo quản hàm duy trì và các khí cụ chỉnh nha tháo lắp
Nếu bạn có hàm duy trì sau chỉnh nha hay bất kỳ khí cụ chỉnh nha tháo lắp nào thì chúng cũng cần được vệ sinh thường xuyên. Chải sạch khí cụ hằng ngày bằng bàn chải đánh răng và có thể sử dụng thêm kem đánh răng. Đặc biệt, chú ý làm sạch mặt khí cụ tiếp xúc với răng và niêm mạc miệng.
Nha Khoa Quốc Tế Á Châu khuyên bạn nên chải khí cụ dưới vòi nước chảy và bên dưới có hứng chậu nước. Như vậy, dù bạn có trượt tay làm rơi hàm thì chúng cũng không bị gãy. Cũng có thể ngâm hàm trong dung dịch sát khuẩn loại chuyên dùng cho hàm giả. Không được sử dụng nước nóng để ngâm rửa hàm. Nó có thể làm biến dạng nhựa và do đó bạn không thể đeo được khí cụ nữa.
Khi không đeo hàm nên giữ chúng trong một hộp bảo quản. Không nên gói hàm lại vì có thể bị nhầm là rác và vứt đi.
Một lưu ý nữa là cần ăn uống đúng cách, tránh các thực phẩm nguy cơ gây sâu răng cao, thức ăn cứng và dính như caramen, kẹo cao su…, không ăn vặt, không ăn các đồ ăn chứa nhiều đường trước khi đi ngủ mà không đánh răng lại. Ngoài ra, khám răng định kỳ là yêu cầu cần thiết để bạn kịp thời phát hiện các vấn đề răng miệng cũng như khắc phục ngay những biện pháp vệ sinh răng miệng chưa đúng.
|
TRUNG TÂM RĂNG – HÀM – MẶT & RĂNG SỨ THẪM MỸ
95 E Lý Nam Đế Hoàn Kiếm Hà Nội
BS. Ngô Quý Vũ
Giám Đốc
Bác sĩ chuyên khoa I
|
Chất Lượng Quốc Tế
Giá Việt Nam!
|
DĐ: 0987302621
Email: contact@nhakhoaquocteachau.vn
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét